TƯỜNG TRÌNH - KHÚC HÁT DU CA
  • Trang Chính
  • Trong Nỗi Nhớ Xa Quê
  • Hành Trình Vượt Biên
  • Nhạc
  • Truyện Ngắn
  • Tùy Bút
  • Thơ

Lời Hay:

Ở new york
(tùy bút)

Vì sao tôi đã xúc động đến chảy nước mắt khi thấy và nghe một cô gái ôm cây guitare đứng hát giữa công viên Central Park của New York, bên cạnh chiếc thùng đàn mở ra, trong đó những đồng tiền lẻ của những người đứng nghe vây quanh bỏ vào sau mỗi bài hát? Tôi đã xúc động, có phải là vì cái giọng hát như gào lên của người con gái giữa cái bình thản của mọi người lúc bây giờ? Hay tôi đã xúc động vì nghĩ đến cách sinh sống khó nhọc của cô gái với những đồng cent trong cái hộp đàn? Hay tôi đã xúc động vì một cái gì khác? Có thể lúc đó tôi đã nghĩ về cái cách thế mà con người đã hành động để mưu tìm hạnh phúc cho chính mình, lúc đó tôi đã nghĩ đến tôi qua hình ảnh của người con gái đó? Tôi không biết được đích xác những gì đã đến với tôi lúc bấy giờ, nhưng tôi đã thực sự xúc động.
Cô gái không phải là người duy nhất đứng hát trong công viên hôm đó, có nhiều người khác cũng làm như cô gái, bên cạnh chiếc dương cầm cũ, với cây kèn đồng, với cây guitare, với một bộ trống hay với cây banjo. Những nghệ sĩ Hippy đã chơi nhạc một cách say sưa, mỗi người trình bày bài hát của mình, không quan tâm gì đến những người chung quanh, những người dạo chơi trong công viên và những nhạc sĩ bạn, họ nhận những đồng tiền lẻ và sống cuộc đời riêng của họ, hoàn toàn không dính dấp gì đến cái xã hội mà họ đang nương náu. Tại sao những người hết sức tài ba đó đã hát như thế trong công viên, họ có thể làm khác hơn, trình diễn trên sân khấu chẳng hạn? Một anh bạn nhạc sĩ có lần đã kể cho tôi nghe câu chuyện này – Anh đã gặp hai nhạc sĩ chơi Saxo ở một góc phố Los Angeles để nhận những đồng tiền lẻ của người qua đường, trong cái mũ lật ngửa chỉ thấy có vài đồng cent thôi. Vì thấy hai người chơi kèn quá hay, anh lại là người thường tổ chức các buổi nhạc hội, anh ngỏ ý mời họ trình diễn với tiền thù lao cao, nhưng đã bị họ từ chối, họ cho biết là họ muốn chơi kèn ở góc phố này hơn là trên sân khấu, ở đây họ mới có được cái cảm xúc mà họ mong muốn. Chúng ta nghĩ sao về những điều như thế? Chúng ta không hiểu gì cả, phải thế không? Vì chúng ta sống trong những giới hạn đã được chấp nhận của cuộc sống bình thường, chúng ta không hiểu được những tìm kiếm của con người trong cái tiến trình của sự phủ nhận. Đời sống với những cái khuôn của nó đã không đem đến cho con người sự tự do và hạnh phúc, người ta muốn tháo gỡ những cái khuôn đó ra, nhưng họ đâu biết là họ đang mắc vào những cái khuôn mới, những trói buộc mới. Nếu lề đường là một nơi trình diễn, sân khấu không phải là một nơi trình diễn sao? Nếu lề đường đã mang đến những cảm xúc thì trên sân khấu cũng sẽ có được những cảm xúc riêng của nó. Sự thay đổi những cảm xúc, không phải là con đường theo đó chúng ta có được cái hạnh phúc mà chúng ta đang khao khát. Nhưng chúng ta không thể làm khác với những gì chúng ta đã làm, và đã tự nhiên tạo nên cái thế giới vây quanh chúng ta thành muôn hình nghìn vẻ. Cái thế giới thiên hình vạn trạng mà chúng ta đang sống là kết quả của cái tiến trình lâu dài của con người trong việc thay đổi những cảm giác của mình để mưu tìm hạnh phúc cho chính mình và đồng loại. Từ Classique đến Semi-Classique, đến Modern, đến Blue, đến Jazz, đến Rock, đến Soul... Từ hiện thực đến trừu tượng, đến biểu tượng, đến ấn tượng, đến lập thể... Từ trường phái thi ca này đến trường phái thi ca khác. Từ chủ nghĩa này đến chủ nghĩa khác. Từ tôn giáo này đến tôn giáo khác. Từ lối sống này đến lối sống khác... Con người không biết mỏi trong cuộc truy lùng hạnh phúc cho nhân loại, và cuộc truy lùng vẫn còn tiếp tục. Điều đó đã chứng tỏ là chúng ta vẫn chưa tìm thấy cái hạnh phúc mà chúng ta đang mong mỏi, phải thế không?
Cái hải cảng lớn nhất thế giới này là nơi đã sưu tập mọi khuynh hướng trong cuộc truy lùng hạnh phúc đó. Mọi sự tìm kiếm của con người đều để lại vết tích nơi đây. Không những thế mỗi điều đều đã được khai triển đến mức cao nhất có thể có được. Con đường 42 cho những gì đồi trụy nhất đã được công khai hóa của loài người, tòa nhà Liên Hiệp Quốc cho mọi khuynh hướng chính trị đối nghịch nhau có thể có được của loài người; khu Broadway nơi trình bày mọi bi hài kịch của loài người mà con người đã tự ý cắt xén và thu nhỏ lại đằng sau những bức màn nhung; Greenwich Village cho hội họa và âm nhạc với những thái quá của nó, con đường số 5 cho những gì xa hoa và diêm dúa nhất của loài người; và tượng Nữ thần Tự do, kỷ niệm của cách mạng | Pháp là cái biểu tượng đặc trưng nhất cho những gì mà New York đang lưu giữ của nhân loại trong cái quá trình tìm kiếm hạnh phúc đó. - Chúng tôi đến thành phố này cho một buổi hát bên cạnh phòng triển lãm về Boat People của nhiếp ảnh gia người Nhật, anh Maekawa Makoto trong đại học Columbia. Buổi trình diễn đã được tổ chức quá Vội vàng, đến nỗi chúng tôi – những người tổ chức và những người trình diễn – đã không có được sự chuẩn bị cần thiết. Đại học Columbia rất rộng lớn, chúng tôi đã phải rất khó khăn mới tìm thấy được địa điểm trình diễn sau gần cả tiếng đồng hồ loanh quanh trong khuôn viên đại học. Những người bạn khán giả đã chờ đợi quá lâu trong hội trường. Chúng tôi cảm thấy sự sốt ruột đó của họ. Những hình ảnh về Boat People trong phòng triển lãm của anh Maekawa Makoto vẫn còn để lại những ấn tượng mạnh mẽ cho người xem khi họ bước vào hội trường văn nghệ. Chúng tôi lại là những Boat People mới qua, mọi sự rất thích hợp và thuận lợi cho chúng tôi. Nhưng trong lòng tôi nặng trĩu. Tôi đang bị dằn vặt bởi những mâu thuẫn lớn; Hình ảnh của những ngôi nhà chọc trời của New York và những chiếc ghe mong manh trôi giạt trên biển cả mênh mông, khuôn mặt của tượng thần tự do và khuôn mặt hốc hác sợ hãi của những người đói khát trên biển, hình ảnh đồ sộ của tòa nhà Liên Hiệp Quốc và những em bé trần truồng trong các trại tị nạn sau những hàng dây kẽm gai, hình ảnh của Twin Tower bên cạnh những chiếc bụng ỏng và những manh chiếu rách, hình ảnh của những chính khách bệ vệ trong các phòng họp sang trọng và những con người chen chúc nhau như súc vật trên các đảo hoang... Tất cả đã khiến cho tôi mệt mỏi đến độ gần như kiệt lực. Và trong trạng thái mệt mỏi, ê chề đó, tôi đã cất tiếng ca:
Tôi muốn yêu. Tôi muốn yêu, yêu cả cuộc đời
Tôi muốn tin. Tôi muốn tin, tin cả loài người
Như ngày xưa, yêu sân trường, lớp học
yêu thầy, yêu bạn, yêu anh, yêu em
Nhưng, nhưng cuộc đời khốn nạn đã giết chết trong tôi những tình yêu đầu... (1)
Hình ảnh của những người Hippy trong công viên Central Park; trên lề đường Greenwich Village; hình ảnh những mái lều bằng lá trong các trại tị nạn; hình ảnh những công trường tập thể nắng cháy nơi quê nhà với những con người thiếu ăn và kiệt lực; hình ảnh những ngôi nhà chọc trời như phun lên từ mặt đất, hình ảnh của nồi cơm chỉ thấy bobo trộn khoai, sắn, hình ảnh những tay làm chính trị mặt mày xương xẩu hay đầy đặn, xảo quyệt hay khắc khổ; hình ảnh của những phòng triển lãm trong các bảo tàng viện; hình ảnh của những tủ sách trong các thư viện; hình ảnh của chiến tranh, của tù đày; hình ảnh của - những khuôn mặt đói khát, sợ hãi, và những khuôn mặt của sự thống khoái, hả hê... Tất cả để làm gì và cho cái gì trong cuộc đời này? Có phải tất cả là để cho những hạnh phúc rất hiếm hoi giữa cái bất hạnh mênh mông như biển cả của con người trong cuộc đời này chăng?
Tôi muốn tin cuộc đời như trang sách giáo khoa thư
chuyện thật thà như theo gió diều bay
như trái bứa, như trái sung
tiếng guốc reo vui đường trưa vắng tanh
Nhưng thế giới thần tiên sụp đổ
những người hiền lương sống kiếp đọa đày
những người thật thà chết xác treo cây
hỡi cô bé quàng khăn đỏ
đã chết trong hàm răng sói già. (2)
Tôi đã cất lời ca và cảm thấy từ trong xương tủy mình sự VÔ ích của những lời ca đó – Con người dù có muốn cũng không thể thoát ra được những cạm bẫy do chính mình dựng nên – Những chính trị gia có thể làm được gì? Những nhà đạo đức? Những nghệ sĩ? Những triết gia? Những khoa học gia? Tất cả có thể làm được gì cho chúng ta và cho chính họ?
Hỡi bạn bè anh em
mắt chúng ta đục ngầu cát bụi
kìa trái đời đã chín trên cây... rồi héo
vì loài sâu đục ruỗng trong tim
Thế giới chúng ta bây giờ đây sâu bọ
không có chỗ cho những con người (3)
 
Tôi bỗng rùng mình nhớ đến cái thành phố đầy những bích chương, những khẩu hiệu, những cờ xí, những hô hào, những nhân danh và những thống khổ không bờ bến của hàng triệu con người đàng sau những khoa trương đó. Ở nơi này hay nơi khác, người ta vẫn tiếp tục cái trò chơi đã lỗi thời và gây hại này. Bởi vì con người thì ngụp lặn hoài trong nỗi bất hạnh của chính mình và cuộc đời thì không thiếu gì những tên lợi dụng rất xảo quyệt. Chúng ta luôn luôn là kẻ bị lợi dụng nếu chúng ta vẫn còn hy vọng, vẫn còn tin tưởng ở cái hạnh phúc như là một tặng vật đến với chúng ta từ bàn tay của người khác.
Xin bạn bè anh em
Xin bạn bè anh em
Xin bạn bè anh em
hãy dừng lại trong hoang vu
chiêu niệm những con người (4)
Ai là con người và ai không phải là con người trên trái đất này?
Không phải là tất cả chúng ta đều là những sinh vật đi trên hai chân hay sao? Không phải là tất cả chúng ta đều có cái hình hài của một con người hay sao? – Phải, nhưng từ lâu rồi, ở một nơi nào đó, anh em chúng ta, bạn bè chúng ta đã bị giết hàng loạt như những con vật, trên chiến trường, trên nông trường, trong lò hơi ngạt, trong nhà tù, trên quốc lộ hay trong thành phố... Phải, ở nơi quê nhà, giờ đây có hàng triệu con người đang thêm một chén cơm trắng, một miếng thịt tươi và hàng triệu con người khác đang dùng sức người thay cho sức trâu trên khắp các nông trường, trên đồng bằng, trên rừng núi... ở Việt nam, ở Kampuchea, ở Á châu, ở Âu châu, ở nhiều phần đất khác. Người ta không thừa nhận đồng loại ở nhân dáng bên ngoài mà bằng những gì đương sự suy nghĩ. Anh không suy nghĩ giống tôi, anh là kẻ thù của tôi, anh không phải là con người. Đó là lý luận của những con người đã phủ nhận mình và đồng hóa con người với một ý niệm. Đó là một trong những cách mà con người thường sử dụng trong thời đại này để khai trừ chính mình và những con người khác ra khỏi cộng đồng nhân loại.
Không bao giờ con ruồi đòi hỏi cái quyền được làm ruồi cả. Nhưng con người lại đòi hỏi cái quyền được làm người. Đó không phải là một thảm kịch hay sao?
Xin bạn bè anh em Xin bạn bè anh em Xin bạn bè anh em hãy dừng lại trong hoang vu chiêu niệm những con người (4)
(1) (2) (3) (4) (“Tôi Muốn Tin, Tôi Muốn Yêu Cuộc Đời”
thơ NX.T, LÚP soạn thành ca khúc.)
Trở lại trang Không Có Mây Trên Thành Phố LOS ANGELES
Powered by Create your own unique website with customizable templates.
  • Trang Chính
  • Trong Nỗi Nhớ Xa Quê
  • Hành Trình Vượt Biên
  • Nhạc
  • Truyện Ngắn
  • Tùy Bút
  • Thơ