TƯỜNG TRÌNH - KHÚC HÁT DU CA
  • Trang Chính
  • Trong Nỗi Nhớ Xa Quê
  • Hành Trình Vượt Biên
  • Nhạc
  • Truyện Ngắn
  • Tùy Bút
  • Thơ

Lời Hay:

ở tây bá linh
(tùy bút)

Tây Bá Linh, tháng 11 . Đứng trên bục cao ở trạm kiểm soát của đồng minh bên phía Tây Berlin, nhìn qua bức tường về phía Đông Berlin, tôi có cảm giác lâng lâng rất lạ lùng, và một ý nghĩ hình như hơi quá đáng khi tự thẩm định giá trị cho những biến cố trọng đại của nhân loại. Những biến cố khiến cho tôi luôn luôn liên tưởng đến các trò chơi trẻ con, tôi chưa bao giờ đánh giá những biến cố đó như là kết quả tất yếu của những suy nghĩ đúng đắn về các vấn đề liên quan đến hạnh phúc con người, như những người chủ động thường rêu rao như thế. Chiến tranh phát xuất từ một cái gì đơn giản hơn nhiều, theo tôi, cái đó chính là sự bạo hành trong mỗi cá nhân, sự lợi dụng yếu tố đó của những kẻ khôn ranh, rồi những lý luận bế tắc và ngu xuẩn đã châm ngòi cho nó và biến sự bạo hành cá nhân thành sự bạo hành tập thể. Không | phải cái ý niệm ngu xuẩn về siêu nhân đã là nguyên nhân của Thế chiến thứ Hai hay sao? Không phải cái ý niệm bình đẳng rất giản dị đã đưa đến thảm họa Cộng sản hay sao? Cũng như trước đây, người ta đã nhân danh sự khai hóa để mở màn cho chế độ Thực dân trên thế giới. Tất cả những cái mũ danh từ đó đã biến thế giới thành một lò lửa, và sau đó là những đường ranh giới, các bức tường, các tên gọi khác nhau, các phô trương, các chửi bới, các dụ dỗ, các lôi kéo, kết bè, kết lũ... Những lý luận gia, những chính trị gia là những người đã biến “trò chơi” thành “trò thực” bằng những lý luận, bằng những dẫn chứng để đưa những nạn nhân – những người cầm súng và những người không cầm súng - đến cái cảm tưởng là họ đã sống và chết cho một cái gì cao quý hơn là cái ngu xuẩn của những người chủ xướng. | Chúng tôi đã đến thăm nhà quốc hội, nơi mà trước đây Hitler đã từng vùng bàn tay điên dại lên và đã từng được sự đáp ứng của hàng triệu công dân Đức để đốt cháy một phần thế giới trong Thế chiến thứ Hai. Nhìn những bức ảnh về lịch sử nước Đức, nhìn những hình ảnh về Thế chiến thứ Hai, những bàn tay vung lên, những nhà cửa đổ nát, những xác chết, những khuôn mặt kinh hãi bên cạnh nét cuồng tín trên những khuôn mặt người Phát xít, những bộ xương biết đi và những lò hơi ngạt. Tất cả đã khiến tôi rùng mình vì mức trầm trọng khủng khiếp của trò chơi này. Chúng tôi rời khỏi phòng triển lãm của nhà quốc hội đang lúc ban ngày mà có cảm tưởng như vừa thức dậy sau cơn ác mộng. | Một cảm giác vừa bồi hồi, vừa buồn bã, khi chúng tôi nhìn thấy những nấm mồ rất đơn sơ sau lưng tòa nhà quốc hội. Những nấm mồ của những người dân Đông Đức đã tìm cách vượt thoát từ bên kia bờ của Đông Bá linh và họ đã bị bắn chết giữa đoạn đường ngắn ngủi – bề ngang của một con sông nhỏ – trước khi đến được bờ bên này của Tây bá linh. Chúng tôi đã vượt một đoạn đường dài hơn đoạn đường đó rất nhiều, và chúng tôi đã may mắn hơn những người bạn cùng cảnh ngộ đang nằm đó biết là bao nhiêu. Ôi, những vấn đề của con người sao lại giản dị và giống nhau đến thế.
Đã mười hai giờ trưa mà Bá linh vẫn chưa thấy mặt trời, những vết tích của thế chiến vẫn còn trên những bức tường trong thành phố, nhà thờ cụt đầu, một kỷ vật của Thế chiến thứ Hai, thật là một hình ảnh bi thảm và sống động để chứng tỏ cho cái khả năng xây dựng và phá đổ của con người, không phải đơn thuần trên phương diện vật chất mà cả trên phương diện tinh thần nữa. Kỷ vật đó của Thế chiến thứ Hai thật đã đóng trọn vai trò của nó.
Tôi có cảm giác là sự hãi hùng của biến cố lịch sử cách đây hơn ba mươi năm vẫn còn chập chờn trên đời sống của người dân Bá linh, ở đây, có một cái gì vừa chắc chắn, vừa tạm bợ, một cái gì như vừa muốn là mình, vừa phủ nhận nó, một cái gì như là sự kiêu hành được che dấu dưới bề ngoài khiêm tốn bình thường. Tôi cũng lây cái cảm giác đó của những người chung quanh và tự cho phép mình có vẻ thản nhiên khác thường mặc dù tôi đang đi giữa một thành phố lạ và trong lòng tôi đang thực sự hết sức tò mò về mọi thứ.
Buổi trình diễn bắt đầu vào lúc tám giờ tốt trong một thính đường trang trí rất đẹp và lạ mắt. Ghế màu vàng tươi, những song ngang màu lục, sân khấu màu đỏ, thảm màu tím thẫm, hệ thống âm thanh và ánh sáng tuyệt hảo. Lần đầu tiên, chúng tôi đã hát với một tâm trạng kỳ lạ. Những ấn tượng trong chuyến đi thăm thành phố vừa qua: Bức tường Ô nhục, nhà quốc hội, đường 16/7, nhà thờ cụt đầu, đài chiến thắng... đã như một ly rượu mạnh hâm nóng lại những cảm giác của tôi khi nghĩ về một thế giới đầy những tưởng tranh, những xung đột, những tan nát, những sụp đổ, những máu và nước mắt, những chia ly và phẫn hận... Chúng tôi đã hát lên những âm thanh giản dị từ thân phận nhỏ bé của một con người, một con người trước những thảm họa quá lớn lao của nhân loại, đồng thời cũng ý thức được rằng, không ai khác hơn là chính mình, những con người nhỏ bé với những tham vọng, với những thủ đoạn, là những nguyên nhân của mọi thảm họa cho mình và đồng loại. Những bài hát trong đêm đó đã mang đến cho chúng tôi và những người bạn trong thính đường một ý nghĩa đặc biệt. Không phải là ý nghĩa của một niềm hy vọng, từ lâu rồi chúng ta không còn hy vọng gì nữa ở cách giải quyết của những người cầm quyền. Không phải ý nghĩa của một niềm tuyệt vọng vì đời sống vẫn luôn luôn thuộc về chính mình, dù có lúc người ta đã mượn nó để làm một điều gì trong một giai đoạn nào đó. Không phải là ý nghĩa của sự tin tưởng vì chúng ta đã tin tưởng và đã mất tin tưởng quá nhiều rồi. Ý nghĩa đó ở đây là ý nghĩa của sự cảm thông, của những gì chúng ta đã có và đã mất, của những gì chúng ta không hiểu và đã hiểu.
Này em bé ơi! Này em bé ơi!
Đừng nghe chúng tôi chơi trò cách mạng
Xuân sang em ơi, xuân sang em ơi.
Hoa nở bên đồi
Này em bé ơi! Này em bé ơi!
Đừng nghe chúng tôi chơi trò giết người
Em đi rong chơi, đi đây đi đó
Tìm xoi hang dế, ngày vui nắng hè
Dán mau con diều lên đồi
Xem diều bay cao, phơi phới trong lòng
Này em bé ơi! Này em bé ơi!
Đừng nghe chúng tôi chơi trò chính trị
Mưa to mưa to, bên con mương sâu
Hãy xếp chiếc thuyền...
Ngày sau khi lớn lên
Em sẽ có nhiều trò chơi khác
Rồi em sẽ biết rằng
Con người lầm lạc biết bao
(Bài “Này Em Bé đi” trong tập
“Con Người, Một Sinh Vật Nhân Tạo?”) Chúng tôi đã hát, và đã lắng nghe từ trong trái tim mình nhịp đập của trái tim đồng loại, trái tim của những con người đã bị thử thách quá nhiều bởi mọi nỗi thống khổ của quả địa cầu.
Chúng tôi đã hát và đã cảm nhận trong hơi thở mình, hơi thở của đồng loại, hơi thở của những người đang tìm cách vượt thoát khỏi mọi xiềng xích của cuộc đời.
Chúng tôi đã hát và đã cảm nhận trong từng mạch máu mình sự luân lưu của máu đồng loại, dòng máu của những con người luôn luôn bị xô đây trong cuộc sống và đã gục chết như cỏ cây. | Phải, không ai có thể cứu chúng ta nếu chúng ta đã là kẻ đầu hàng trước tham vọng của chính mình.
1981
Trở lại trang Không Có Mây Trên Thành Phố LOS ANGELES
Powered by Create your own unique website with customizable templates.
  • Trang Chính
  • Trong Nỗi Nhớ Xa Quê
  • Hành Trình Vượt Biên
  • Nhạc
  • Truyện Ngắn
  • Tùy Bút
  • Thơ